Nghiên cứu tích hợp cơ chế điều chỉnh phụ tải (demand response) trong vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam

30/12/2024 08:48 Số lượt xem: 2317

Trong những năm gần đây, tăng trưởng tiêu thụ điện của hệ thống điện Việt Nam luôn ở mức cao, trong công tác đầu tư các công trình điện lại có sự chậm trễ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã ảnh hưởng đến độ tin cậy và an ninh cung cấp điện hệ thống. Việc vận hành các nguồn điện hiện có gặp nhiều khó khăn do lưu lượng nước về thấp, chi phí nhiên liệu tăng cao, vấn đề phát triển nóng các dự án năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh đó, các biện pháp quản lý nhu cầu điện, đặc biệt là điều chỉnh phụ tải điện (DR) trở nên cần thiết. Theo Phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, chương trình điều chỉnh phụ tải được đánh giá là chương trình trọng tâm, một trong những giải pháp cứu cánh giúp Việt Nam vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện. Tuy nhiên, sẽ khó có thể thực hiện DR một cách hiệu quả, nếu thiếu cơ chế tài chính để khuyến khích, thu hút khách hàng.

Tổng quan về cấu trúc thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thực tế cho thấy, Việt Nam mới chỉ thực hiện Chương trình DR phi thương mại, nghĩa là khách hàng chưa được hưởng lợi trực tiếp về tài chính khi tham gia chương trình. Vì vậy, dù đã ký kết thỏa thuận tham gia DR, nhưng khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo thực hiện sự kiện DR, một số khách hàng lại không nhiệt tình, thậm chí từ chối tham gia, với lý do không thể thay đổi, điều chỉnh kế hoạch sản xuất dẫn đến hiệu quả thực hiện các chương trình DR chưa cao. Hiện nay, việc tích hợp các hộ phụ tải khách hàng có khả năng điều chỉnh linh hoạt tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh đang là một xu hướng phát triển tại nhiều nước. Để tạo cơ chế cho phép và khuyến khích phía phụ tải có thể trực tiếp tham gia thị trường điện, cần phải nghiên cứu mô hình tích hợp điều chỉnh phụ tải trong thị trường điện tại các nước trên thế giới, xem xét ưu nhược điểm các mô hình, từ đó đề xuất mô hình phù hợp với bối cảnh hệ thống điện- thị trường điện Việt Nam.

Từ những lý do trên, nhằm nghiên cứu cơ chế tích hợp điều chỉnh phụ tải tham gia thị trường điện, cụ thể là thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời xem xét đưa ra các vấn đề, quy định cần bổ sung, sửa đổi trong vận hành thị trường, nhóm nghiên cứu tại Cục Điều tiết điện lực do ThS. Lê Anh Đức dẫn đầu đã thực hiện đề án: “Nghiên cứu tích hợp cơ chế điều chỉnh phụ tải (demand response) trong vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam” với các mục tiêu: nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép các phụ tải có khả năng điều chỉnh linh hoạt tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhằm giảm công suất đỉnh của hệ thống trong các giờ cao điểm, qua đó giảm chi phí mua điện chung trên thị trường, tăng cường độ linh hoạt vận hành hệ thống và khuyến khích phía khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải; xây dựng hình thức, phương thức tham gia thị trường điện cho các phụ tải có khả năng điều chỉnh; đánh giá ảnh hưởng tác động của việc các phụ tải có khả năng điều chỉnh tham gia thị trường điện; đề xuất các điều chỉnh về quy định pháp lý để cho phép phụ tải điện tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Sau một thời gian thực hiện, đề tài kết luận như sau:

Tích hợp cơ chế điều chỉnh phụ tải trong thị trường điện đang là xu hướng tại thị trường điện các nước trên thế giới. Khi phụ tải điều chỉnh công suất làm giảm nhu cầu hệ thống trong các giờ cao điểm, dẫn đến không cần thiết phải huy động các nhà máy điện có giá thành cao, qua đó làm giảm chi phí sản xuất và giá điện bán buôn. Chi phí để trả cho các khách hàng điều chỉnh nhu cầu điện nhỏ hơn rất nhiều so với lợi ích thị trường bán buôn điện nhận được cũng như vốn đầu tư cần thiết vào nguồn và lưới điện để đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Trong bối cảnh phụ tải tiếp tục tăng cao trong những năm tới, chiến lược phát triển nguồn điện vẫn chú trọng vào năng lượng tái tạo đòi hỏi độ dự phòng và độ linh hoạt vận hành hệ thống ngày càng tang cao, việc tích hợp chương trình điều chỉnh phụ tải vào thị trường điện cạnh tranh là hết sức cần thiết để đảm bảo tối ưu trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam, tạo động lực khuyến khích thúc đẩy phía khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải.

Với các đặc thù riêng về vận hành, việc huy động và thanh toán cho các khách hàng cung cấp dịch vụ điều chỉnh phụ tải sẽ đặt ra một loạt các vấn đề cần xử lý trong thị trường điện. Để thực hiện được các mục tiêu này, đề tài đã nghiên cứu, đánh giá tác động của điều chỉnh phụ tải trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh và xây dựng cơ chế để phía phụ tải có thể tham gia vào trong thị trường. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới, khi nhu cầu huy động nguồn điện trong hệ thống tiếp tục tăng cao, thị trường điện Việt Nam cần thực hiện các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để hoàn thiện thiết kế thị trường, đưa điều chỉnh phụ tải từng bước tham gia vào thị trường điện. Ngoài ra, để đảm bảo khả năng thu hút đầu tư nguồn điện, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn điện trong tương lai, tăng cường hiệu quả của cơ chế điều chỉnh phụ tải trong thị trường, cần thực hiện các giải pháp: nâng dần giá trần thị trường theo từng năm, chuyển sang cơ chế chào giá tự do khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng.

Nhóm đề án cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo điều kiện triển khai chương trình DR có ưu đãi tài chính; kiến nghị lộ trình và giải pháp thực hiện DR trong giai đoạn tới; đề xuất cơ chế tích hợp DR trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Nguyễn Văn Thắng st

Theo “vista.gov.vn”