Chất lỏng cách điện dễ cháy và chạm chập điện gây ra rủi ro cháy nổ đáng kể cho máy biến áp. Các mối nguy này có thể dẫn đến thiệt hại thảm khốc, làm gián đoạn tính liên tục của hoạt động kinh doanh và gây hư hại bổ sung cho thiết bị và cơ sở hạ tầng xung quanh. Bài viết này cung cấp các nghiên cứu trường hợp thực tế chứng minh hiệu quả của hàng rào chắn lửa trong việc giảm thiểu rủi ro cháy nổ, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và giảm thiểu gián đoạn hoạt động cũng như tổn thất tài chính.
Các trạm biến áp và sân phân phối điện là các nút sống còn trong lưới điện, tạo điều kiện chuyển đổi điện từ các đường dây truyền tải điện cao áp sang mạng lưới phân phối điện áp thấp hơn. Máy biến áp, hòn đá tảng của các cơ sở này, rất dễ gặp nguy cơ cháy nổ do môi trường điện năng lượng cao và vật liệu cách điện dễ cháy, chẳng hạn như dầu. Các yếu tố môi trường, như sét đánh hoặc sự cố thiết bị, có thể làm tăng thêm rủi ro cháy nổ. Do đó, việc triển khai các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ trạm biến áp không chỉ là thiết yếu mà còn rất quan trọng.
Hậu quả của một vụ nổ và hỏa hoạn trong trạm biến áp (Hình 1) là rất lớn. An toàn con người là tối quan trọng, vì hỏa hoạn có thể gây ra những nguy hiểm đe dọa tính mạng ngay lập tức cho nhân viên tại chỗ. Ngoài việc gây nguy hiểm đến tính mạng, cháy máy biến áp thường dẫn đến các vụ mất điện trên diện rộng, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu và làm giảm tính ổn định của lưới điện. Chi phí tài chính liên quan đến những sự kiện này rất đa dạng, bao gồm các chi phí trực tiếp như thay thế thiết bị và sửa chữa cơ sở hạ tầng và các chi phí gián tiếp như tổn thất công suất vận hành, trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn và tổn hại đến danh tiếng của công ty điện lực. Một sự cố cháy (có thể phòng ngừa) có thể làm mất lòng tin của khách hàng, đặc biệt là nếu mất điện kéo dài hoặc tái diễn.
Hình 1. Hàng rào chắn lửa đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ theo quy định, bảo vệ các sân phân phối khỏi các rủi ro kinh tế và vận hành liên quan đến cháy máy biến áp (Ảnh st)
Do các hậu quả nghiêm trọng, công tác phòng cháy chữa cháy tại các sân phân phối phải được coi là ưu tiên theo cả quy định và chiến lược. Các hàng rào chắn cháy nổ là thành phần sống còn của các hệ thống an toàn này. Bằng cách ngăn chặn các đám cháy về mặt vật lý, các rào chắn này còn giúp bảo vệ thiết bị liền kề và giảm thiểu lan truyền nhiệt và khói, đảm bảo lưới điện vận hành liên tục. Chúng ngăn chặn hiệu quả các vụ cháy nổ trong một khu vực hạn chế, giúp cắt giảm thiệt hại, bảo vệ người lao động và cho phép các đội chữa cháy phản ứng nhanh hơn. Hơn nữa, hàng rào chắn lửa còn giúp các công ty điện lực chấp hành các quy định an toàn nghiêm ngặt, tránh các khoản phạt tốn kém, kiện tụng và tổn hại đến danh tiếng.
Hiểu về các nguy cơ cháy nổ máy biến áp
Các vụ nổ và cháy máy biến áp thường là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố cơ, điện và môi trường. Chạm chập điện là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, bắt nguồn từ các sự cố cách điện, ngắn mạch hoặc hồ quang bên trong máy biến áp. Các chạm chập này có thể phát nhiệt đáng kể, dẫn đến mồi cháy dầu cách điện trong máy biến áp.
Các sự cố cơ học khác, chẳng hạn như rò rỉ hoặc vỡ vỏ máy biến áp, có thể khiến các vật liệu dễ cháy tiếp xúc với nguồn mồi cháy. Các yếu tố môi trường như sét đánh, sự xâm nhập của động vật hoang dã và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm các rủi ro này bằng cách gây ra các xung điện hoặc hư hại vật lý cho máy biến áp. Ngoài ra, các máy biến áp đang lão hóa dễ bị hỏng hóc bên trong hơn do xuống cấp cách điện và các vật liệu khác theo thời gian. Các chất gây ô nhiễm, như hơi ẩm hoặc cát bụi, làm tăng thêm rủi ro sự cố, tạo ra môi trường dễ bay hơi hơn bên trong máy biến áp.
Các hành vi có chủ ý gián đoạn hoạt động trạm biến áp, có động cơ phá hoại hoặc hành vi khủng bố, đang gia tăng. Một trong những sự kiện đáng kể nhất về gây thiệt hại có chủ ý là sự kiện các tay súng bắn tỉa đã tấn công Trạm biến áp truyền tải Metcalf gần thành phố San Jose, bang California (Mỹ) vào năm 2013. Những kẻ tấn công đã bắn vào 17 máy biến áp, khiến chúng bị rò rỉ dầu và phát nóng quá mức, gây thiệt hại đáng kể. Một cuộc tấn công bắn tỉa tương tự vào hai trạm biến áp ở Hạt Moore, bang North Carolina (Mỹ) vào năm 2022 đã gây mất điện cho hàng chục nghìn hộ sinh hoạt.
Ảnh hưởng của các vụ cháy máy biến áp không chỉ dừng lại ở việc gây hư hại cho thiết bị ngay lập tức. Một vụ cháy máy biến áp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của một sân phân phối điện, dẫn đến nhiều vụ mất điện làm gián đoạn nguồn cấp điện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp và các dịch vụ thiết yếu. Một sự cố máy biến áp đơn lẻ có thể dẫn đến sự cố leo thang trong lưới điện rộng hơn, làm tăng thêm phạm vi và thời gian mất điện. Việc sửa chữa các máy biến áp bị hư hại thường yêu cầu rất nhiều hoặc thay thế toàn bộ thiết bị, làm tăng thời gian khôi phục cấp điện.
Hàng rào chắn lửa là các cấu trúc vật lý hoặc vật liệu lắp đặt một cách chiến lược để ngăn chặn và cách ly đám cháy trong các sân phân phối, đặc biệt là xung quanh thiết bị có nguy cơ cao như máy biến áp. Mục đích chính của chúng là hạn chế sự lan truyền của đám cháy, bảo vệ thiết bị liền kề và giảm thiểu hư hại. Trong một sân phân phối, nơi có nhiều máy biến áp cao áp và cơ sở hạ tầng nhạy cảm khác, các hàng rào chắn lửa đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho cơ sở. Chúng hoạt động như một hệ thống phòng chống cháy nổ thụ động, làm chậm lại hoặc ngăn chặn sự lan truyền của ngọn lửa, nhiệt và khói, giúp người vận hành và lính cứu hỏa có thêm thời gian để ứng phó với các sự cố.
Trong các sân phân phối điện, các tài sản quan trọng nhất cần phải bảo vệ là máy biến áp, các tòa nhà điều khiển, máy cắt và các thiết bị điện áp cao khác cần thiết cho việc phân phối điện. Đặc biệt là các máy biến áp vốn dễ bị tổn thương do sự có mặt của dầu cách điện dễ cháy và phơi nhiễm liên tục với các môi trường điện năng lượng cao. Hàng rào chắn lửa không chỉ bảo vệ các tài sản sống còn này khỏi cháy và nhiệt mà còn khỏi các vụ nổ tiềm ẩn và hư hại bổ sung do sự cố của các thiết bị liền kề gây ra.
Các sân phân phối thường chứa nhiều máy biến áp thành một dãy và các thiết bị gần đó, do đó, hỏa hoạn ở một máy biến áp có thể nhanh chóng lan sang các máy biến áp khác. Hàng rào chắn lửa giúp ngăn ngừa sự cố lan rộng, có thể dẫn đến các vụ mất điện trên diện rộng. Ngoài ra, hàng rào chắn lửa có thể giúp bảo vệ chống lại các mối nguy hiểm về môi trường, chẳng hạn như mảnh vỡ do gió thổi hoặc tiếp xúc với chất lỏng dễ cháy, làm giảm hơn nữa khả năng xảy ra thảm họa leo thang.
Hàng rào chắn lửa trong sân phân phối nằm trong phân loại bảo vệ thụ động. Tuy nhiên, chúng phải bảo vệ máy biến áp khỏi các vụ nổ, mảnh đạn và chất lỏng dễ cháy, và ngăn chặn sự kiện này, trở thành hệ thống phòng thủ chủ động.
Hàng rào chắn lửa máy biến áp là các cấu trúc độc lập có thiết kế như các hàng rào vật lý. Chúng tạo sự ngăn cách vật lý để bảo vệ các tài sản gần đó nếu xảy ra sự cố. Sau khi lắp đặt, các hàng rào này không yêu cầu bất kỳ kích hoạt hoặc đầu vào bên ngoài nào để hoạt động. Chúng bảo vệ ngay từ ngày đầu tiên với chi phí bảo trì thấp hoặc không có. Chúng có thiết kế để làm chậm hoặc ngăn chặn sự lan truyền của lửa, nhiệt và khói, cung cấp khả năng ngăn chặn và kéo dài đủ thời gian để ứng phó khẩn cấp an toàn.
Hàng rào chắn lửa thụ động cung cấp một số lợi thế quan trọng khi bảo vệ cơ sở hạ tầng điện, đặc biệt là trong các môi trường có nhiều máy biến áp như các sân phân phối điện. Các rào chắn này đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên, đảm bảo ngăn chặn và giảm thiểu các vụ nổ và hỏa hoạn, ngay cả khi không có sự can thiệp chủ động. Sau đây là một số lợi thế chính của việc triển khai hàng rào chắn lửa thụ động.
Bảo vệ liên tục. Một trong những lợi thế đáng kể nhất của hàng rào chắn lửa thụ động là nó cung cấp khả năng bảo vệ liên tục, không ngừng. Không giống như các hệ thống phòng cháy chữa cháy chủ động yêu cầu có các cảm biến, báo động hoặc kích hoạt (như hệ thống phun nước hoặc bọt), hàng rào chắn lửa thụ động làm việc liên tục ngay từ khi lắp đặt. Chức năng của chúng là tự động và không phụ thuộc vào kích hoạt cơ học hoặc điện, khiến chúng cực kỳ đáng tin cậy trong các kịch bản cơ sở hạ tầng quan trọng, nơi có thể xảy ra các gián đoạn hoặc sự cố hoạt động. Khả năng bảo vệ liên tục này đảm bảo rằng ngay cả khi các hệ thống chữa cháy khác không kích hoạt hoặc có sự chậm trễ trong thời gian phản ứng, hàng rào chắn thụ động vẫn hoạt động để hạn chế lửa lan, giúp tiết kiệm thời gian quý báu cho những người ứng phó khẩn cấp.
Ngăn chặn lửa lan. Chức năng chính của hàng rào chắn lửa thụ động là ngăn chặn lửa, vụ nổ, nhiệt và khói lan sang một khu vực cục bộ. Trong các sân phân phối điện, các máy biến áp thường đặt gần nhau nên việc ngăn chặn lửa lan là thiết yếu. Một đám cháy trong một máy biến áp có thể nhanh chóng leo thang và gây hư hại các máy biến áp, máy cắt điện hoặc tòa nhà điều khiển liền kề, gây ra các vụ mất điện trên diện rộng và sự cố thiết bị. Bằng cách giới hạn đám cháy trong một khu vực duy nhất, các rào chắn thụ động giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố leo thang, giảm hư hại chung cho cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc ngăn chặn này cũng giúp ngăn ngừa gây ra các đám cháy thứ phát, có thể xảy ra khi các vật liệu dễ cháy trong thiết bị gần đó tiếp xúc với nhiệt và lửa.
Chi phí bảo trì và vận hành thấp. Sau khi lắp đặt, các hàng rào chắn lửa thụ động chỉ cần bảo trì ở mức tối thiểu. Không giống như các hệ thống chữa cháy chủ động, vốn cần thử nghiệm, thanh tra thường xuyên và đôi khi phải sửa chữa, các rào chắn thụ động thường có tuổi thọ dịch vụ cao với chi phí thường xuyên thấp. Người ta thiết kế các vật liệu như tường chống cháy, lớp phủ trương nở hoặc vỏ chống cháy để chịu được môi trường khắc nghiệt, mang lại khả năng bảo vệ bền bỉ theo thời gian.
Yêu cầu bảo trì thấp này chuyển thành chi phí vận hành thấp hơn cho các công ty điện lực. Các hệ thống chủ động có thể phát sinh chi phí liên quan đến sự cố cơ khí hoặc điện, đòi hỏi phải thanh tra thường xuyên để đảm bảo chúng hoạt động bình thường. Mặt khác, các hàng rào thụ động lại tĩnh và đáng tin cậy, khiến chúng tiết kiệm chi phí trong suốt vòng đời của một cơ sở.
Cải thiện an toàn cho nhân viên. Ngoài việc bảo vệ thiết bị, hàng rào chống cháy nổ thụ động còn cải thiện an toàn cho nhân viên, đặc biệt là đối với công nhân bảo trì tại chỗ. Các tòa nhà điều khiển thường nằm trong phạm vi 15 mét tính từ các máy biến áp cần có hàng rào chống cháy. Bằng cách ngăn chặn đám cháy ở một khu vực cụ thể và giảm sự lan truyền của nhiệt và khói, các rào chắn thụ động kéo dài thêm thời gian để sơ tán và ứng phó khẩn cấp. Khoảng thời gian kéo dài này có thể rất quan trọng để tránh thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.
Phù hợp với các tiêu chuẩn quy định. Một lợi thế khác của hàng rào chắn lửa thụ động là chúng giúp các công ty điện lực đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của ngành và theo quy định. Các cơ quan quản lý, chẳng hạn như Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia (NFPA), Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) và Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang (FERC), phác thảo các hướng dẫn nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy trong các môi trường có rủi ro cao như các sân phân phối. Hàng rào chắn lửa đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phù hợp với các quy định này.
Độ bền và khả năng chống chịu môi trường. Người ta thường chế tạo hàng rào chắn lửa máy biến áp từ vật liệu chống cháy để xử lý các vụ nổ, mảnh đạn, chất lỏng dễ cháy và các yếu tố môi trường như độ ẩm, nhiệt độ cực đoan và điều kiện thời tiết. Ví dụ, thép mạ kẽm và các tấm lắp ráp chống cháy và kết cấu được chế tạo để chịu được sự tiếp xúc lâu dài với các yếu tố ngoài trời trong khi vẫn duy trì năng lực bảo vệ của chúng.
Thay thế Các hệ thống Phòng cháy Chống cháy Chủ động. Các hệ thống phun nước đã lỗi thời và gây ra rủi ro về môi trường khi triển khai tại các sân phân phối, đặc biệt là gần các tuyến đường thủy. Người ta thiết kế các hệ thống chữa cháy bằng bọt để chủ động dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, chúng đã bị cấm sử dụng vì chúng đưa các chất gây ung thư đã biết vào đám cháy và không còn được chấp nhận nữa vì những rủi ro về sức khỏe và an toàn. Cả hai hệ thống này đều yêu cầu đầu tư đáng kể vào việc bảo trì liên tục.
Mặc dù các hệ thống phòng cháy chữa cháy thụ động và chủ động hiện có đều có giá trị, nhưng các hàng rào chắn lửa thụ động đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên, đảm bảo khả năng ngăn chặn đáng tin cậy ngay cả khi các hệ thống chủ động bị hỏng, bị trì hoãn hoặc bị dỡ bỏ vì lý do không phù hợp. Hàng rào chắn thụ động ngăn chặn và cách ly đám cháy, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành.
Phải cân nhắc một số yếu tố chiến lược và thực tế khi thiết kế và triển khai các rào chắn chống cháy nổ để bảo vệ máy biến áp trong các sân phân phối điện. Quy trình thiết kế bao gồm nhận dạng các mối nguy, các khoảng cách, tải trọng gió, các yêu cầu về động đất, độ cao, nền móng và những cân nhắc về tầm nhìn. Các cân nhắc này đảm bảo các rào chắn có thể ngăn chặn hiệu quả các đám cháy và tích hợp liền mạch vào cơ sở hạ tầng chung của cơ sở. Lập kế hoạch phù hợp có thể giảm thiểu các rủi ro liên quan đến các vụ cháy máy biến áp, giảm thời gian chết và tăng cường khả năng khôi phục hoạt động (Hình 2).
Hình 2. Loạt ảnh này minh họa thiết kế một hàng rào chắn lửa bằng bêtông không đúng cách (Ảnh st)
Các nhà thiết kế phải cân nhắc một số yếu tố thiết kế chính để đảm bảo hàng rào chắn lửa cung cấp khả năng bảo vệ tối đa. Một trong những cân nhắc chính là quy tắc 15 mét, là khoảng cách tối thiểu khuyến cáo giữa các máy biến áp, tòa nhà điều khiển và các thiết bị quan trọng để ngăn ngừa hư hại do cháy và nổ. Cần đặt hàng rào chắn lửa để cách ly thiết bị trong khi vẫn duy trì khoảng cách an toàn này bất cứ khi nào có thể. Khi các hạn chế về không gian khiến quy tắc 15 mét trở nên khó khăn, các rào chắn lửa đóng vai trò là biện pháp giảm thiểu quan trọng bằng cách bù đắp cho khoảng cách gần hơn.
Chiều cao và bề dày của hàng rào chắn lửa cũng rất quan trọng đối với hiệu quả của chúng. Hàng rào chắn lửa phải đủ cao để ngăn lửa, khói và nhiệt trong khu vực gần nhất của máy biến áp, ngăn không cho chúng lan đến các máy biến áp lân cận hoặc các thành phần quan trọng. Ngoài ra, hàng rào chắn lửa phải có thiết kế để chịu tải trọng gió, hoạt động địa chấn và các ứng suất môi trường khác có thể xảy ra trong khu vực, đảm bảo rằng chúng vẫn an toàn về mặt kết cấu trong trường hợp khẩn cấp.
Người ta phải thiết kế rào chắn lửa sao cho chịu được những rủi ro bổ sung này ở những khu vực dễ xảy ra cháy rừng, lũ lụt hoặc các thảm họa thiên nhiên khác. Ví dụ như, các rào chắn lửa ở những khu vực dễ xảy ra cháy rừng có thể yêu cầu lớp phủ phản xạ nhiệt hoặc gia cố thêm để ngăn chặn lửa lan rộng của đám cháy ra bên ngoài. Những cân nhắc về môi trường cũng cần đưa vào thiết kế, chẳng hạn như bảo vệ các nguồn nước gần đó khỏi bị ô nhiễm bởi hóa chất chữa cháy.
Bằng cách cân nhắc cẩn thận các yếu tố thiết kế và chiến lược này, các công ty điện lực có thể đảm bảo các hệ thống rào chắn lửa của họ cung cấp khả năng bảo vệ đáng tin cậy và lâu dài cho cơ sở hạ tầng điện quan trọng. Việc lập kế hoạch và lựa chọn vật liệu phù hợp có thể giảm đáng kể các rủi ro liên quan đến cháy máy biến áp và giảm thiểu gián đoạn hoạt động.
Các bài học chính nhấn mạnh tầm quan trọng của rào chắn lửa và các biện pháp bảo vệ khác trong việc giảm thiểu các nguy cơ cháy máy biến áp. Sau đây là một số ví dụ.
Dự án Đường thủy Đập thủy điện. Dự án này nêu bật cách lắp đặt rào chắn lửa hiệu quả để bảo vệ các tài sản quan trọng máy biến áp-đến-máy biến áp gần các hồ chứa nước, sông ngòi. Điểm mấu chốt là tầm quan trọng của việc đặt rào chắn phù hợp ở những khu vực dễ bị rủi ro về môi trường, chẳng hạn như lũ lụt hoặc hư hại do nước, có thể làm trầm trọng thêm đáng kể các vụ hỏa hoạn. Các rào chắn trong bối cảnh này sẽ ngăn chặn đám cháy và ngăn ô nhiễm lan sang các nguồn nước gần đó (Hình 3).
Hình 3. Hệ thống phun nước tràn bờ xung quanh các tuyến đường thủy đã bị đóng cửa và tháo bỏ vì các vấn đề về môi trường liên quan đến việc xả nước ngoài kế hoạch hoặc thậm chí là việc sử dụng chúng trong một sự kiện. Chuỗi các hình ảnh này cho thấy các hệ thống đã cải tạo phù hợp với quy định, trong đó các rào chắn lửa có thiết kế lắp vừa bên trong các không gian chật hẹp, đảm bảo các yêu cầu về cách ly. (Ảnh st)
Dự án đảm bảo khoảng cách quan trọng giữa nhà điều khiển và trạm biến áp. Trong dự án này, người ta đã đặt các hàng rào chắn lửa một cách chiến lược để bảo vệ một trạm biến áp gần một tòa nhà liền kề. Bài học rút ra từ dự án này là hiệu quả của các rào chắn lửa trong việc ngăn ngừa hư hại bổ sung liên quan đến các công trình liền kề. Nếu không có rào chắn, cháy lan có thể dễ dàng gây ra mất mát tài sản máy biến áp và tòa nhà liền kề, kéo dài thời gian ngừng hoạt động và chi phí sửa chữa. Các ứng dụng này làm nổi bật nhu cầu về các rào chắn trong môi trường sử dụng hỗn hợp, nơi cơ sở hạ tầng điện gần các cơ sở khác (Hình 4).
Hình 4. Các hàng rào chắn lửa cũng hiệu quả trong việc ngăn chặn lửa lan sang các máy biến áp và cơ sở hạ tầng liền kề, đặc biệt là khi thiết bị đặt gần nhau như thể hiện trong loạt hình ảnh này. (Ảnh st)
Bảo vệ máy biến áp-đến-máy biến áp. Một dự án tại một công ty điện lực lớn ở bang California đã chứng minh sự cần thiết phải có đủ sự tách biệt giữa các máy biến áp. Khi xảy ra hỏa hoạn, người ta đã lắp đặt thành công các rào chắn trong không gian hạn chế của đám cháy chỉ trong một máy biến áp duy nhất, ngăn không cho đám cháy lan sang các máy biến áp liền kề và giảm thiểu thiệt hại chung. Điểm mấu chốt là các rào chắn rất cần thiết cho việc hạn chế lửa lan, đặc biệt là khi các máy biến áp nằm gần nhau (Hình 5).
Hình 5. Các hàng rào chắn lửa đã cải tạo tại một trạm biến áp thuộc sở hữu của một công ty điện lực lớn ở Bờ Tây nước Mỹ. Lưu ý khoảng cách không đủ giữa các máy biến áp (bên trái). Người ta đã đặt một rào chắn lửa theo cấu hình chữ “T” có thiết kế chống chịu cháy nổ giữa các máy biến áp và nhà điều khiển tại một địa điểm khác (bên phải).
Việc triển khai thành công các hàng rào chắn lửa tại các sân phân phối điện đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng và phối hợp, giải quyết được nhiều cân nhắc về kỹ thuật, quy định và vận hành. Áp dụng các thực hành tốt nhất trong quá trình lập kế hoạch, lắp đặt và bảo trì thường xuyên đảm bảo các hàng rào chắn lửa cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả và đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn.
Bước đầu tiên trong việc triển khai các hàng rào chắn lửa là tiến hành đánh giá rủi ro toàn diện của sân phân phối. Một đánh giá rủi ro bao gồm việc nhận dạng các tài sản quan trọng, đánh giá các mối nguy cháy tiềm ẩn và xác định các vị trí hiệu quả nhất cho hàng rào chắn lửa. Đánh giá cũng cần bao gồm các yếu tố như khoảng cách đến máy biến áp, tải trọng cháy, các điều kiện môi trường và hư hại bổ sung tiềm ẩn.
Sau khi đã hoàn tất đánh giá rủi ro, cần lập kế hoạch thiết kế chi tiết. Kế hoạch này cần quy định rõ vật liệu, kích thước và vị trí lắp đặt rào chắn lửa, đảm bảo chúng phù hợp với các quy định của ngành và các tiêu chuẩn an toàn. Việc sớm hợp tác với các kỹ sư, chuyên gia an toàn và các cơ quan quản lý đảm bảo thiết kế đáp ứng các yêu cầu về vận hành và sự phù hợp.
Các rủi ro cháy nổ liên quan đến các máy biến áp riêng lẻ nhiều khi là có một không hai. Hàng rào chắn lửa có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ một số rủi ro cháy. Tuy nhiên, các cân nhắc chiến lược là cần thiết để triển khai hiệu quả.
Cho dù là lắp đặt trong các cơ sở mới hay hiện có, các rào chắn chống cháy nổ đều cung cấp giải pháp đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí để ngăn ngừa cháy lan sang các máy biến áp và thiết bị lân cận, giảm thiểu hoặc loại bỏ hư hại bổ sung. Các rào chắn này giúp giảm thiểu các rủi ro trực tiếp liên quan đến cháy máy biến áp và bảo vệ các công ty điện lực khỏi thiệt hại về tài chính và uy tín có thể phát sinh từ các vụ mất điện hoặc sự cố kéo dài. Áp dụng phương pháp tiếp cận tư duy lường trước đối với an toàn cháy nổ bằng cách sử dụng biện pháp tách biệt và ngăn chặn, các công ty điện lực có thể giảm thiểu ảnh hưởng của cháy máy biến áp, bảo vệ các tài sản quan trọng của mình và duy trì lòng tin của khách hàng và các bên liên quan.
Biên dịch: Chu Thanh Hải
Theo “Power”, số tháng 12/2024