Ngày 28 tháng 4 năm 2025, một sự cố mất điện diện rộng đã ảnh hưởng đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đánh dấu một trong những sự gián đoạn năng lượng nghiêm trọng nhất trong lịch sử châu Âu. Sự cố mất điện này đã làm gián đoạn giao thông, liên lạc và các dịch vụ thiết yếu trên toàn bán đảo Iberia. Các cuộc điều tra đã xác định một số nguyên nhân liên kết với nhau dẫn đến sự cố này.
Sự cố mất điện này đã làm gián đoạn giao thông, liên lạc và các dịch vụ thiết yếu trên toàn bán đảo Iberia (Ảnh st)
Vào lúc 12:33 trưa theo giờ địa phương, công suất phát điện của Tây Ban Nha giảm từ 27GW xuống chỉ còn hơn 12GW trong vòng 5 giây, tương đương mất khoảng 15GW. Sự sụt giảm đột ngột này đã khiến lưới điện mất ổn định, dẫn đến lệch tần số vượt quá giới hạn vận hành và kích hoạt cơ chế ngắt tự động nhằm bảo vệ mạng lưới châu Âu rộng lớn hơn.
Sự sụt giảm công suất phát điện nhanh chóng đã khiến kết nối giữa Tây Ban Nha và Pháp bị ngắt, khiến lưới điện bán đảo Iberia bị cô lập. Việc này khiến Tây Ban Nha không thể nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, làm trầm trọng thêm sự cố mất điện và cản trở các nỗ lực khôi phục ngay lập tức.
Trong năm phút từ 12:30 đến 12:35 ngày 28/4/2025 (theo giờ địa phương), lưới điện Iberia đột nhiên mất điện hoàn toàn (Ảnh st)
Tại thời điểm xảy ra sự cố, hơn 70% lượng điện của Tây Ban Nha được cung cấp từ các nguồn tái tạo, riêng năng lượng mặt trời chiếm gần 59%. Việc công suất mặt trời sụt giảm đột ngột, có thể do lỗi kỹ thuật hoặc dao động lưới, đã tác động đáng kể đến hệ thống. Dù bản thân năng lượng tái tạo không phải là nguyên nhân, nhưng việc thiếu dự phòng từ các nguồn truyền thống như khí đốt hoặc hạt nhân đã làm giảm khả năng chịu đựng của lưới điện.
Các hệ thống điện truyền thống dựa vào độ quán tính cơ học của các máy phát điện quay trong các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân để duy trì ổn định. Việc chuyển dịch sang các nguồn tái tạo sử dụng bộ nghịch lưu đã làm giảm độ quán tính này, khiến lưới điện dễ bị dao động tần số và khó hấp thụ các cú sốc hệ thống.
Sự cố mất điện này ảnh hưởng đến cả hai quốc gia cùng lúc, là một trong 15 lần mất điện lớn nhất trong lịch sử thế giới xét về số lượng người bị ảnh hưởng, với hơn 58 triệu người phải gánh chịu hậu quả (Ảnh st)
Phần lớn hạ tầng lưới điện của Tây Ban Nha được xây dựng từ những năm 1950 và chưa theo kịp tốc độ tích hợp nhanh chóng của năng lượng tái tạo. Việc thiếu các hệ thống giám sát tiên tiến và dữ liệu thời gian thực từ các nguồn phát quy mô nhỏ khiến khả năng phát hiện và xử lý sự cố kém hiệu quả.
Các đánh giá ban đầu từ các nhà vận hành lưới điện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã loại trừ khả năng sự cố là do tấn công mạng. Tuy nhiên, các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục để xem xét tất cả các yếu tố khả thi, bao gồm cả lỗi kỹ thuật và sai sót vận hành hệ thống.
Kết luận
Sự cố mất điện tháng 4/2025 tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố: mất công suất phát điện đột ngột, phụ thuộc cao vào năng lượng tái tạo nhưng thiếu dự phòng, độ quán tính lưới thấp, và hạ tầng lỗi thời. Sự kiện này nhấn mạnh nhu cầu hiện đại hóa toàn diện lưới điện, áp dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo cơ cấu năng lượng cân bằng nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước các sự cố trong tương lai.
Lược dịch: Bùi Thị Thu Hường
Tổng hợp nguồn tin từ Yahoo!news; Reuters; The Guardian